Wednesday, 22/01/2025, 7:07 AM Chào đón Guest


| | |

Thời tiết hàng ngày tại Thành Phố Đông Hà

Nhiệt độ - Thời Gian - Độ ẩm


TP.Đông Hà - Tỉnh Quảng Trị

Thời tiết Huế



Gia Tộc Họ Phạm Văn-Phường Đông Thanh-TP Đông Hà-T. Quảng Trị Bookmark and Share 
  •                                                                             
  • [ Trở về trang chủ » Bài viết mới · Thành viên · Nội quy diễn đàn · Tìm kiếm · Nguồn dữ liệu RSS ]
    Đăng nhập để vào diễn đàn
    • Page 1 of 1
    • 1
    Hỡi ôi! người cũng là du khách...
    PhamVanDinhNgày: Thursday, 04/10/2012, 11:10 AM | Link chia sẻ # 1
    Private
    Nhóm: Administrators
    Tin nhắn: 5
    Danh tiếng: 0
    Tình trạng: Offline
    Hỡi ôi! người cũng là du khách...
    Con người này, khi sống, cũng chỉ là một chiếc bóng, cả người lẫn thơ. Chả thế, chỉ một chút xíu, ông đã biến khỏi tầm nhìn của nhà phê bình Hoài Thanh - Hoài Chân khi thơ ông được in bằng một thứ chữ không ứng với tạng của ông trên tạp chí Tao Đàn (NXB Tân Dân - Hà nội, 1939).


    Nhà thơ Phạm Hầu

    Nhớ những buổi trưa hồi ấy, nghỉ lại ở cơ quan (NXB Hội Nhà văn - 65 Nguyễn Du), tôi hay trò chuyện với nhà thơ Tế Hanh. Nhà thơ lúc này mắt đã kém lắm, chỉ có khả năng đi bộ trên quãng đường quen thuộc từ nhà ông bên phố Nguyễn Thượng Hiền sang phố Nguyễn Du chừng vài trăm mét. Nhưng được cái, đến đây thì ông có thể gặp được bạn văn đủ các thế hệ. Riêng các buổi trưa, tôi hay hỏi chuyện ông về những nhà thơ đã khuất vắng khỏi tầm nhìn của thế hệ chúng tôi.

    Có lần nhắc đến Phạm Hầu, tôi dùng bộ óc duy lý để thắc mắc câu thơ nổi tiếng trong bài "Vọng hải đài": "Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai". Tri kỷ tri âm tìm mới khó, chứ cách mặt xa lòng là lẽ thường, việc chi Phạm Hầu phải hỏi! Nhà thơ Tế Hanh phải giải thích cho tôi: "Theo cách nói của người miền Trung, xa lòng có nghĩa người một lòng với mình mà phải xa cách". Câu thơ hay thường có cái lạ là toàn bộ tiết điệu, hơi thơ, cảm xúc của nhà thơ ám ảnh ta, chiếm lấy hồn ta ngay khi ta chưa kịp thâu tóm ý nghĩa. Nhà thơ Tế Hanh khi biết cái chết thê thảm của Phạm Hầu khi ông còn rất ít tuổi đã xúc động viết một bài in trên báo Bạn Đường xuất bản ở Thanh Hóa (1944). Khi đọc tôi nghe, đôi mắt Tế Hanh mờ đục, nhưng những câu thơ của Phạm Hầu ông thuộc từ thiếu thời vẫn vằng vặc sáng trong ông:

    Trong đầy ải mình trần tê ngọn lửa
    Tiệc chim bằng rỉa rói một lòng đơn

    Hình tượng sự cô đơn cao thượng như Prométhée lấy lửa của trời bị chim ác rỉa thịt thật kiêu hãnh! Đó phải chăng là ngọn lửa lý tưởng tự do, ông mơ được góp phần mang lại cho nhân dân, sẵn sàng chịu sự tra tấn, tù đày. Nếu còn sống, hẳn ông đã đứng trong hàng ngũ các nhà thơ cách mạng cùng với Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên…

    Nhờ có một số tư liệu riêng và sự bổ sung quý báu của nhà sưu tầm, biên soạn Hoàng Minh Nhân qua cuốn "Vẫy ngoài vô tận" (NXB Thanh Niên, 2001), tôi đã cung cấp được mục từ Phạm Hầu cho lần tái bản cuốn "Từ điển văn học" sắp tới (sau bộ mới, 2004) khoảng 1.200 từ.

    Nhưng làm xong việc "rút gọn" cuộc đời ông, tôi lại cảm thấy mình có lỗi. Bởi cả cuộc đời ngắn ngủi 24 năm của ông đã là một cuộc rút gọn, hầu như chỉ có 4 năm cuối đời (1940-1944), ông mới thực sự sống và sáng tạo trong môi trường bạn bè Thơ Mới và bạn học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội. Đã thế, mật thám Pháp còn ngắt ngọn quãng đời ấy, chúng đã bắt ông từ tháng 7/1943, giam hãm, hành hạ đến chấn thương sọ não, rồi đưa ông vào nhà thương Vôi (nhà thương điên) ở Bắc Giang và chết thảm trên đường giải về Huế… Tác phẩm thơ và họa ít ỏi của Phạm Hầu lại bị guồng xoáy thời cuộc sau đó làm cho tản mát. Nói như vậy để càng thấy công lớn của Hoài Thanh - Hoài Chân đã neo con thuyền thơ bé bỏng trước sóng gió của ông bằng hai bài thơ "Chiều buồn" và "Vọng hải đài" vào khối đá hoa cương "Thi nhân Việt Nam" để người có tâm như anh Hoàng Minh Nhân và kẻ đi sau là tôi lần tìm đầu mối, phục hiện lại diện mạo một tài năng mới lóe sáng ở giai đoạn cuối thời kỳ Thơ Mới.

    Phạm Hầu sinh trưởng trong một gia đình nho học ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là Phạm Liệu, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898). Ở khoa thi này, Quảng Nam có 5 người đỗ cao (3 tiến sĩ và 2 phó bảng). Tổng đốc Nghệ An Đào Tấn lúc ấy đã cho thêu bức trướng mừng, gọi hiện tượng này là "Ngũ phụng tề phi" của xứ Quảng (5 con phượng cùng bay). Phạm Liệu được coi là chim đầu đàn, ông làm thượng thư đời Thành Thái. Phạm Hầu theo gia đình ra học ở Trường Quốc học Huế. Sau đó, ông thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 13 (1939-1944), cùng khóa với các họa sĩ Trần Đình Thọ, Nguyễn Sĩ Ngọc, Huỳnh Văn Thuận, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Trọng Hợp và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim… Trong 12 người, có tới 6 người không theo hết khóa học, trong đó có Phạm Hầu. Phạm Hầu có nét đặc biệt hơn các bạn họa sĩ là anh rất yêu thơ, và thích gặp gỡ, kết bạn với những nhà Thơ Mới nổi tiếng như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên. Thậm chí anh còn ở chung phòng với Lưu Trọng Lư.

    Về hội họa, anh đã để lại ấn tượng cho người bạn họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp: "Anh Hầu thích dùng màu xanh lam, lam hơi tím một chút. Đó là màu nền các bức tranh của anh, và là màu tâm hồn anh đã phủ lên tranh. Sau mỗi lần nghỉ hè trở lại trường, anh lại bầy tranh của mình cho bạn xem. Những bức tranh đẹp và cô đơn lạ lùng!".

    Một lý do anh luôn tìm đến với thơ là sự o ép trong cách dạy của trường Mỹ thuật dưới quan niệm hẹp hòi của hiệu trưởng mới E.Jonchère (1937-1945): Chỉ đào tạo những thợ mỹ nghệ chứ không phải những nhà nghệ sĩ. Quan niệm này khác hẳn với vị hiệu trưởng cũ, người sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương V.Tardieu: Đào tạo nghệ sĩ thuần túy Việt Nam. Các họa sĩ được đào tạo dưới quan niệm tân tiến này đã mang lại thành công cho hội họa Việt Nam ở các triển lãm trong và ngoài nước mà nhiều tác giả được giải thưởng cao như Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí. Trong một cuộc triển lãm như thế này, bức tranh siêu thực "Hòn đá" của Phạm Hầu đạt giải nhất, chứng tỏ khả năng hội họa của Phạm Hầu không phải tầm thường!

    Trong giai đoạn nhà trường thực dân tăng cường đàn áp mọi hành vi tư tưởng chống đối, Phạm Hầu đã tìm đến sự giải thoát ở thơ, tìm thấy ở những người bạn thơ những tâm hồn đồng điệu. Hoạt động nghệ thuật của anh từ 1940 tập trung ở hội họa siêu thực và thơ.

    Con người Phạm Hầu được các nhà Thơ Mới kể lại rất thống nhất và sinh động. Đó là một thanh niên sống bằng nội tâm, có những câu thơ thật tinh tế nhưng vẻ ngoài của anh thì nhu mì, ngơ ngác. Huy Cận hồi ức: "Anh người mảnh dẻ, giọng nói rất nhẹ gần như nói thầm…Mắt Phạm Hầu nhìn xa đi đâu…mắt nhìn xa vắng, xa trong tưởng tượng của anh và vắng với cảnh vật trước mắt…" (Hồi ký song đôi). Nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng nhận xét: "Tôi ở cùng một phòng với Hầu, con người mà sau này tôi gọi là "con nai nhỏ của tôi". Hầu chỉ biết vẽ, đọc sách và đôi khi làm thơ, rụt rè - thơ cũng như người".

    Phạm Hầu sống lặng lẽ, chết lặng lẽ nhưng thơ anh vẫn dư vang đến chúng ta ngày nay, nhất là sau khi Hoàng Minh Nhân sưu tầm được toàn bộ 26 bài thơ của anh (gồm cả 6 bài in trên các báo, tạp chí Tao Đàn, Thanh niên, Bạn đường… trước Cách mạng), để ta có thể hình dung một diện mạo thơ, ngoài hai bài trong "Thi nhân Việt Nam" với câu thơ ngôn truyền tiêu biểu cho cả đời thơ:

    Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
    Chẳng biết xa lòng có những ai?

    Phạm Hầu đã đứng trên đài cao Vọng Hải hỏi vào vô tận: đâu người tri kỷ, tri âm? Giống như Trần Lê Văn từng hỏi qua mặt sóng:

    Có ai nghe thấy một tiếng vọng
    Thì thả con thuyền sang với tôi!

    (Tiếng vọng)

    Đứng trước sự mênh mông rợn ngợp của không gian, thời gian vô thủy vô chung, con người cùng chung cảm giác đơn côi giống nhau, chỉ các nhà thơ là khác nhau trong mỗi cách biểu hiện.

    Người con trai nhút nhát trong ứng xử mà dũng cảm hướng thiện ấy, hầu như chỉ có tình yêu đơn phương, có lẽ chưa bao giờ được hưởng một nụ hôn của người tình trong cuộc đời ngắn ngủi. Có lẽ vì vậy, thơ tình của ông càng thinh nhẹ, tinh khiết: "Ngập ngừng ai vẫn qua êm nhẹ/ Một cái nhìn hương, chỉ thế thôi!" (Mộng cù lao).

    Khép lại "Chiều buồn", thi sĩ thấy: "Nàng và tôi, nhánh sầu chung rễ cội" như chỉ chờ một duyên cớ, một tác động nhỏ nào cũng đủ cho hai nhánh sầu đó hòa tan thành suối lệ: "Khi giọt sương âu yếm nhỏ lên người/ Nàng và tôi là hai dòng lệ nối". Dấu ấn hội họa siêu thực ông theo đuổi tràn cả vào thơ: "Ai về lướt thướt trong đêm trắng" (Nhớ tự nhiên).

    Nhìn lại toàn bộ thơ Phạm Hầu, dễ nhận ra, có lẽ do bản tính nhút nhát, ít hòa nhập với mọi người, tình yêu mới chỉ là tình trong tâm tưởng, nên nhà thơ thường cảm thấy đơn chiếc, bơ vơ (Mộng cù lao). Một nỗi buồn cô độc thường trực tâm hồn ông (Vọng lâu). Ông thấy mình là một kiếp lỡ đường (Riêng tây), xa lạ ngay ở nơi quen thuộc khi vui cùng bè bạn (Tiệc rượu). Nhưng nhờ vậy, ông tự tạo cho mình một thế giới lý tưởng siêu thoát, như không phải ở cõi phàm trần, với những câu thơ tinh tế và sang trọng:

    Nàng khóc bằng tay trên phím ngà
    Những ngón tay dài như lệ sa

    (Dạ nhạc)

    Phạm Hầu tâm nguyện một lẽ sống: Sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau, cho người với người xích lại gần nhau, thương yêu nhau (Mãi dâng trọn hồn vui). Về chất lượng nghệ thuật, thơ Phạm Hầu âm sắc dịu nhẹ, tứ thơ chừng mực, không đẩy cảm xúc tới trạng thái phấn khích, cực đoan. Hầu như có ít bài anh vượt được "Vọng Hải đài". Có lẽ sau giai đoạn rực rỡ nhất của Thơ Mới (1936-1939), những nhà thơ xuất hiện sau không tìm được giọng điệu thật riêng, dễ bị nhòa lẫn trong sự thoái trào chung lúc đó.

    Bài viết này mong đóng góp đôi chút, hoàn thiện thêm một chân dung thơ, một trong những viên gạch cuối cùng của phong trào Thơ Mới 1932-1945
     
    • Page 1 of 1
    • 1
    Search:


    Những tin tức thuộc sở hữu của trang web
     Những tin tức không thuộc sở hữu trang web
    Gia Tộc - Phạm Văn